Một trong những thành công và tạo nên thương hiệu của Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu chính là không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Với việc làm tốt công tác này, người học được đào tạo, trui rèn trong môi trường học tập tích cực và có điều kiện phát triển sau đào tạo.

GẮN KẾT ĐÀO TẠO VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình đào tạo nghề nghiệp có 3 yếu tố có mối quan hệ biện chứng với nhau gồm: tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo. Trong hợp phần đó, tuyển sinh là yếu tố quan trọng đầu tiên, vì đây là khâu “đầu vào”, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo là yếu tố then chốt giúp cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sản phẩm “đầu vào”, góp phần khẳng định và xây dựng thương hiệu của nhà trường. Cùng với đó, giải quyết việc làm sau đào tạo cũng là yếu tố rất quan trọng bởi nó phản ánh kết quả của khâu đào tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022 là năm thứ sáu toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo quy định của Luật GDNN. Đây cũng là năm có nhiều chuyển biến tích cực trong sự phát triển chung của hệ thống GDNN. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nên công tác tuyển sinh, đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi cả hệ thống GDNN phải xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển nhân lực lao động qua đào tạo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để làm tốt công tác tuyển sinh, thời gian qua Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu đã chủ động triển khai kế hoạch thực hiện công tác tuyển sinh năm 2022 với nhiều giải pháp đồng bộ và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh. Cụ thể về công tác đào tạo, trường đã chủ động và thực hiện đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đặc biệt là triển khai nhiều phương thức đào tạo phù hợp cho các đối tượng, nhất là triển khai phương thức đào tạo kết hợp vừa dạy nghề vừa dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Đáng ghi nhận hơn cả là trường đã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong đó, đã gắn kết được với các doanh nghiệp lớn của tỉnh trong giải quyết việc làm sau đào tạo như: Công ty Cổ phần Việt - Úc Nhà Mát, Công ty TNHH MTV Long Mạnh, Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh…

           Học sinh, sinh viên nhà trường trải nghiệm thực tế tại nhà máy Vinatex Bạc Liêu

ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm trong thời gian tới, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh truyền thống kết hợp với trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Cụ thể là sẽ tăng cường hợp tác với đơn vị truyền thông chuyên nghiệp để đẩy mạnh công tác truyền thông của trường, nâng cao hình ảnh của trường đối với học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp và xã hội; đồng thời triển khai nhiều hình thức truyền thông trực tiếp và trực tuyến như: tích cực tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, tổ chức cho học sinh các trường THCS, THPT hoạt động trải nghiệm thực tế tại trường, tổ chức các buổi tư vấn tại các trường THPT, THCS; tiếp tục phát huy hiệu quả các chuyên trang về tuyển sinh của trường trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…), hoặc trên website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online; đăng ký sử dụng dịch vụ tiếp cận đến nhiều đối tượng trên các trang mạng xã hội để dễ dàng trong việc tiếp cận và trao đổi thông tin tuyển sinh. Số hóa các ấn phẩm truyền thông (sách, cẩm nang, thông tin, tranh ảnh, tài liệu…) về tư vấn, hướng nghiệp, thông tin về nhà trường và hoạt động đào tạo nghề nghiệp của trường để đăng tải trên các chuyên trang tuyển sinh và các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, trường sẽ tăng cường thông tin về chính sách của Nhà nước đến với doanh nghiệp, nhất là các chính sách thuế cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN; chủ động cung cấp thông tin về năng lực đào tạo, thông tin tuyển sinh của trường; tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp cần có việc làm để doanh nghiệp tuyển dụng; thông tin về nhu cầu việc làm, thị trường lao động theo định kỳ.

Đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, chú trọng mở rộng ngành nghề đào tạo theo hướng phát triển của tỉnh, chú trọng tuyển sinh các ngành trọng điểm: Nuôi trồng thủy sản, Chế biến và Bảo quản thủy sản, Chăn nuôi - Thú y; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn. Tăng cường tuyển sinh theo mô hình 9+ với đối tượng tốt nghiệp THCS để học liên thông lên trình độ cao đẳng. Tiếp tục tuyển sinh, tổ chức đào tạo cho học sinh tốt nghiệp THCS vừa học GDNN và học văn hóa THPT… cũng là những giải pháp mà trường sẽ thực hiện để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh và đào tạo nghề nghiệp.

Ngoài ra, trường còn tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp đào tạo các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, các kỹ năng cần thiết liên quan đến các ngành. Tiếp tục tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh theo đặt hàng, nhu cầu đào tạo với tất cả các trình độ đạo tào từ tập huấn, bồi dưỡng đến sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, liên thông đại học và tuyển sinh đào tạo liên thông giữa các trình độ trong GDNN. Tăng cường mối quan hệ cộng đồng để tham gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, đặc biệt là chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội LHPN, Hội Khuyến học; trong đó chú trọng xây dựng công tác tuyển sinh từ hội viên Hội LHPN các địa phương, gắn khuyến học với khuyến nghề; tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh đến trực tiếp từng gia đình học sinh để cung cấp đầy đủ thông tin đến phụ huynh, học sinh…

TRẦN VĂN ÚT CHÍNH