“Điểm mù” là khoảng tối mà ta không nhận thấy, không nhìn thấy được mặc dù mắt đang nhắm đến, đầu óc đang nghĩ đến, hành động đang hướng đến. Điều đó hàm chỉ những điểm mà tự mình không thể tự thấy, không thể tự biết nó đang diễn ra trong khi người khác có thể thấy, có thể biết, một cách tường tận. Điều đó, bất cứ ai cũng có lúc, có khi, có lần rơi vào khoảng tối. “Điểm mù” không thể hay biết và hệ lụy và kết cục của cách nghĩ, cách làm mù quáng là hậu quả không lường.

Vì vậy đối với người lãnh đạo, quản lý hơn ai hết cần nhận diện rõ bản chất của vấn đề đó và phải tự nỗ lực vượt lên chính mình bằng cách biết lắng nghe và sử dụng có hiệu quả chính khả năng trí tuệ xúc cảm để thoát ra khỏi những khoảng tối “điểm mù” nguy hiểm, luôn là hiểm họa khôn lường trong lãnh đạo, quản lý.

Một số “điểm mù” khoảng tối thường không nhìn thấy trong quá trình lãnh đạo, quản lý.

1. “Mù” vì thiếu khiêm tốn

- Thái độ: Kiêu căng, tự mãn, tự cho là mình hơn người, mình biết tất cả, mọi người xung quanh đều là kém cỏi hơn mình.

- Biểu hiện: Không nghe, không tin bất cứ điều gì từ người khác, chỉ nghe và tin những gì bản thân được biết từ hiểu biết hạn hẹp và kinh nghiệm nghèo nàn.

- Hệ lụy: Luôn bất chấp quy luật khách quan, luôn lấy chủ quan duy ý chí cá nhân áp đặt lên sự vật, hiện tượng, làm việc duy cảm dẫn đến sai lầm nghiêm trọng.

Về mặt tâm lý có thể nói đây còn là căn bệnh trầm kha hết thuốc chữa, vì khi đã lâm vào căn bệnh này thì cả thể xác và tâm thần đều khép kín không tiếp nhận bất kỳ biện pháp, giải pháp nào cho sự thay đổi đối với bản thân và công việc.

2. “Mù” vì thiếu cảm kích

- Thái độ: Xem thường giá trị, nhân phẩm của con người, không thiện cảm, không công nhận, thừa nhận khả năng, năng lực cũng như thành quả cống hiến của người khác, nhất là đối với người dưới mình.

- Biểu hiện: Thường xuyên phê phán, phủ định vị trí, vai trò của người khác, chưa từng biết đề cao hoặc khen tặng ai điều gì tốt đẹp, chỉ biết đề cao bản thân, tự cho rằng những gì người khác có được là do lợi thế, được may mắn, không nhận thấy được sự nỗ lực lao động sáng tạo, dấn thân, cống hiến mọi người.

- Hệ lụy: Phủ định vai trò, vị trí cũng như giá trị lao động sáng tạo, không nhìn thấy được điều gì đáng cảm kích ở người khác, không biết biểu dương khen tặng ai điều gì, không có sự đồng cảm, chia sẻ và thừa nhận cũng như thổi lửa truyền cảm hứng cho nhau trong cuộc sống, trong công tác lãnh đạo, quản lý từ đó mà triệt tiêu mọi nổ lực, công lao của người khác; triệt tiêu sức mạnh của tổ chức.

3. “Mù” vì thiếu trách nhiệm

- Thái độ: Thờ ơ trước công việc, nhiệm vụ được giao, luôn xem thành công là do mình; thất bại là do hoàn cảnh, là do người khác.

- Biểu hiện: Không thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của bản thân, luôn đổi lỗi cho người khác, tránh nặng, tìm nhẹ, an phận thủ thường, luôn tìm kiếm những chỗ an toàn nhất để an vị, không dám đương đầu với những khó khăn thử thách, không dám đấu tranh bảo vệ cái đúng, phản bác cái sai, bảo vệ người tốt, lên tiếng phê phán cái xấu.

- Hệ lụy: Đùn đẩy trách nhiệm, đổi lỗi cho nhau, không nhận ra sai lầm, khuyết điểm, không thừa nhận trách nhiệm cá nhân để khắc phục hậu quả, sửa chữa sai lầm, từ đó đánh mất niềm tin đối với tập thể và tổ chức. Triệt tiêu uy tín cá nhân và tổ chức.

4. “Mù” vì thiếu lắng nghe

- Thái độ: Lơ là trước những vấn đề tế nhị, nhạy cảm. Luôn thờ ơ trước tâm tư, nguyện vọng người khác, vô cảm trước nổi khổ, niềm đau và lòng trắc ẩn của người khác.

- Biểu hiện: Không thân thiện, luôn có khoảng cách trên dưới, thứ bậc với người khác, lạnh lung, nguyên tắc trong công việc, chỉ biết việc không biết người, không ghi nhận, chia sẻ thấu hiểu cho người khác trong mọi hoàn cảnh, duy ý chí, chủ quan áp đặt vô lý, luôn phủ định mọi thông tin, giá trị thực tiễn khách quan, vô cảm trước mọi yêu cầu, điều kiện, hoàn cảnh đang diễn ra.

- Hệ lụy: “Có mắt như mù”, “có tai như điếc”, mù quáng trước thực tiễn khách quan, thiếu thông tin có giá trị, hành xử theo bản năng, cảm tính dẫn đến sai lầm nghiêm trọng vì luôn vô cảm vô tâm, không biết lắng nghe hơi thở cuộc sống, sự năng động, sáng tạo trong công việc của cá nhân, của tổ chức, của tập thể.

5. “Mù” vì thiếu trung thực

- Thái độ: Xem thường sự thật, phủ định thực chất khách quan, đề cao ý chí chủ quan, can thiệp làm sai lệch sự thật vì mục tiêu động cơ cá nhân.

- Biểu hiện: Luôn dùng xảo thuật để che đậy sự thật, làm sai lệch bản chất vấn đề, nói và làm không nhất quán, nói một đàng làm một nẽo, luôn ngụy biện, vòng vo, né tránh sự thật, khi làm những việc trước “ánh sáng” và trong “bóng tối” luôn trái ngược với nhau, nói trên diễn đàn thì khác với việc làm thường ngày; hay dối lòng, dối người trong giao tiếp, trong công việc và trong cuộc sống.

- Hệ lụy: Hình thành lối sống, cách sống giả tạo, tạo lập vỏ bộc bên ngoài hào nhoáng, dễ dẫn đến lối giao tiếp khách sáo, màu mè, sum xuê, dồn dã nhưng thực chất thì thô thiễn, lạnh nhạt, thiếu chân thành, không thân thiện,  không chia sẻ, đồng cảm. Từ đó có cuộc sống xa rời tập thể, khó gần gũi được với mọi người, không đón nhận được sự chân thành, chia sẻ của người khác dẫn đến cô độc, xa cách mọi người, đánh mất niềm tin sự thân ái, gắn kết với tổ chức, với cộng đồng, xã hội.

Thành công trong lãnh đạo, quản lý luôn là mong muốn là mục tiêu, đồng thời còn là động lực, là niềm vui đối với người lãnh đạo, quản lý. Ngược lại với thành công là thất bại, đó là điều không ai mong muốn, là nổi thất vọng, là nổi buồn, là điều đáng tiếc đối với người lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên xét ở gốc độ kết cục của một quá trình lãnh đạo, quản lý thì dù thành công hay thất bại đều có ý nghĩa sâu sắc khi người lãnh đạo, quản lý nhận thấy rõ được bản chất cũng như giá trị của thành công và thất bại. Hai mảng “sáng”, “tối” - thành công, thất bại tuy trái chiều nhau nhưng còn song hành và gắn kết nhân quả chặt chẽ. Vì lẽ đó nên thường có câu “Thất bại là mẹ thành công”, “Thành công là người thầy tồi nhất”, điều đó luôn giúp ta thấu hiểu và đối xử tích cực với những kết cục tất yếu là “sáng” hoặc “tối” mà người lãnh đạo, quản lý luôn phải đối mặt thường xuyên trước công việc và cuộc sống.

NGƯT-TS. Trần Công Chánh