Khối đoàn kết nhất trí trong toàn trường là ý chí, sức mạnh quyết định đến thành công sự nghiệp đổi mới phát triển bền vững giáo dục của nhà trường chặng đường 35 năm qua cũng như cho cả thời kỳ đổi mới giáo dục nghề nghiệp, thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm xã hội đối với nhà trường trong bối cảnh hiện nay.

Bỡi lẽ, đoàn kết là sức mạnh từ nội tại trong từng cá nhân, đơn vị; đoàn kết là thành công cho mọi công việc của từng cá nhân, đơn vị; đoàn kết là thắng lợi tất cả mọi nhiệm vụ đối với tập thể nhà trường.

Chuẩn giá trị của đoàn kết nhất trí trong nội bộ nhà trường là lẽ sống, là đạo lý, là văn hóa, là văn minh, khơi dậy động lực, là mục tiêu xây dựng môi trường sống và làm việc tích cực, lao động sáng tạo, hiệu quả và khẳng định bản thân.

Quan niệm đoàn kết nhất trí là đạo lý, là lẽ sống của dân tộc Việt Nam, của người dân Việt Nam. Vì vậy đối với mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức và nhân viên cũng như toàn thể học sinh, sinh viên của nhà trường cần phải coi đoàn kết nhất trí là đức tính cơ bản, giá trị nhân văn của mỗi con người nhất là đối với cán bộ, đảng viên, viên chức và nhân viên thì đạo đức và giá trị nhân văn ấy càng có ý nghĩa, vai trò to lớn. Có được như vậy thì mới có khả năng tập hợp đoàn kết quần chúng, đồng chí, đồng nghiệp và học sinh, sinh viên xung quanh mình.

Từ quan niệm đó cho thấy mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức và nhân viên từ đồng chí Bí thư cấp ủy đến từng chi bộ, đảng viên; từ đồng chí Hiệu trưởng đến toàn thể cán bộ, viên chức, nhân viên phải trân trọng gìn giữ sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ nhà trường như gìn giữ danh dự và sự nghiệp của bản thân mình.

Đối với toàn Đảng bộ nhà trường:

+ Đảng bộ với vai trò là hạt nhân chính trị, trung tâm tập hợp đoàn kết quần chúng cho thấy sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ có vai trò, ý nghĩa to lớn.

+ Đặc biệt trong đó là sự đoàn kết, nhất trí từ trong cấp ủy, chi ủy, đoàn kết, nhất trí trong từng đồng chí lãnh đạo cấp ủy, lãnh đạo nhà trường; đoàn kết, nhất trí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để thực hành đoàn kết, nhất trí đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương Nhân - Nghĩa (thương yêu - trách nhiệm), Lễ - Tín (kính nhường - tin cây); cần - kiệm - liêm - chính với người, với mình; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí; hết lòng, toàn tâm, toàn ý với nhà trường; chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ chấp hành tổ chức, tự giác ý thức kỷ luật.

Đối với mỗi đảng viên trong Đảng bộ nhà trường phải gương mẫu sửa đổi tính nết, tác phong, lề lối làm việc; thật thà, trung thực, thẳng thắn; cầu tiến, nỗ lực đoàn kết và xây dựng đoàn kết, nhất trí thực sự.

Đối với toàn thể cán bộ, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên toàn trường phải thi đua thực hành cần, kiệm, liêm chính; phải khiêm tốn, thật thà đoàn kết, nhất trí; biết yêu quý, kính trọng, giúp đỡ mọi người; không nịnh cấp trên, xem thường cấp dưới; biết học người, quý người tiến bộ./.

NGƯT - TS. Trần Công Chánh