Văn hóa học đường (văn hóa nhà trường) cũng có những thuộc tính chung với văn hóa tổ chức, song văn hóa nhà trường còn có nét đặc trưng khác biệt làm thành (mô thức) sắc thái văn hóa riêng; trong đó có sự giao thoa và kết tinh hàm lượng văn hóa cao hơn và là nơi hội tụ và phát triển các giá trị văn hóa có sức lan tỏa đến công đồng và xã hội thông qua chức năng giáo dục và đào tạo.

Văn hóa nhà trường là hệ thống giá trị, chuẩn mực, thói quen, hành vi và thái độ, niềm tin, đạo đức, lẽ sống,v.v… được trao truyền trong quá trình xây dựng, phát triển làm nên lịch sử truyền thống nhà trường, được tất cả các thành viên của nhà trường thừa nhận, giữ gìn, vun đắp và được thể hiện sinh động bằng các đặc trưng về ý thức thái độ và kiến trúc vật chất của nhà trường. Từ đó tạo nên bản sắc riêng, nét đặc trưng của văn hóa nhà trường.

Vì vậy, văn hóa nhà trường vừa là động lực, vừa là mục tiêu của mỗi nhà trường, là nền tảng cho sự phát triển bền vững, đồng thời còn là chất keo gắn kết, chất men xúc tác, ánh sáng dẫn đường cho mọi thành viên đồng hành cùng nhau tranh thủ thời cơ, vượt qua trở ngại hướng đến chinh phục tầm nhìn, sứ mạng nhà trường.

Điều đó cho thấy một nhà trường có nền tảng văn hóa vững chắc, có mô thức sắc thái văn hóa riêng sẽ là nơi hội tụ giao thoa, gìn giữ, sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, làm cho nhà trường trở thành trung tâm văn hóa giáo dục, giúp làm tốt chức năng giáo dục toàn diện giá trị chân - thiện - mỹ, hướng đến xây dựng chuẩn mực nhân cách con người.

Mặt khác, văn hóa nhà trường còn là nhân tố trung tâm chi phối đến toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần đối với cộng đồng nhà trường, được thể hiện một cách sinh động trong triết lý mục tiêu sứ mạng, tầm nhìn, hệ giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý, lề lối tác phong làm việc của toàn bộ các thành viên trong nhà trường; kiến tạo bầu không khí tâm lý vui tươi, phấn chấn, tự hào, tự tin, lạc quan viên mãn. Đó là một loại “năng lượng tái tạo” đặc biệt có sức mạnh thúc đẩy tự thân hướng đến sáng tạo, cống hiến không ngừng nghỉ.

Với những ý nghĩa sâu sắc đó làm cho văn hóa nhà trường luôn là yếu tố trung tâm có giá trị đặc biệt đối với mỗi nhà trường, làm nên sức mạnh nội tại cho sự ổn định và phát triển bền vững của nhà trường, nhất là trong điều kiện, bối cảnh hội nhập, hợp tác, cạnh tranh đan xen phức tạp.

Thấu hiểu ý nghĩa và giá trị sâu sắc của văn hóa nhà trường, vận dụng linh hoạt, sáng tạo; làm sống động ý nghĩa và các giá trị của văn hóa nhà trường vào trong toàn bộ hoạt động thực tiễn và đời sống của nhà trường, nhằm tích cực mang lại những kết quả thiết thực từ trong đời sống vật chất đến văn hóa tinh thần cho mỗi thành viên trong nhà trường. Đó là nhiệm vụ tiên quyết đặt ra cho mỗi nhà trường, cho mọi người thành viên trong nhà trường mà trước hết là đối với những người làm quản lý giáo dục, nhà giáo với trọng trách là người tiên phong gương mẫu, đầu tàu, cần phải quyết tâm cùng nhau đồng hành xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường; xem đây là nền tảng, là động lực, là mục tiêu chiến lược để tiếp tục xây dựng và phát triển nhà trường trong chặng đường mới./.

NGƯT-TS. Trần Công Chánh

 

File đính kèm: bc thang 4-05052021081343.pdf